Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Tôi chụp ảnh để làm gì? Đó có gọi là đam mê? (P.3)

(tiếp theo)


Tôi đã ngộ ra vào một thời khắc trong đời mình. Cuộc sống của tôi từ đó đã có trật tự hơn.

Bạn đã bao giờ bắt gặp loại người mà xung quanh của họ là một bầu không khí thật đặt biệt chưa? Bầu không khí của tự do và tình yêu cuộc sống. Bầu không khí của cảm hứng. Bầu không khí của sự kết nối sâu sắc vào mỗi hành động của họ.
  • Khi họ làm việc họ sẽ làm hết mình.
  • Khi nghỉ ngơi họ sẽ chẳng quan tâm đến công việc.
  • Khi yêu họ sẽ yêu hết lòng.
  • Khi chơi thể thao họ sẽ hòa làm một với thể thao.
  • Khi ăn họ sẽ ăn ngon lành.
  • Khi trò chuyện họ lắng nghe theo cách đặc biệt và trao đổi với mọi người ân cần, cởi mở.
  • … … …
Họ làm bất cứ thứ gì cũng với cảm hứng và với năng lượng cao. Thậm chí khi người đó buồn bạn cũng sẽ thấy cách họ đối diện và đốt cháy nỗi buồn ra sao!

Đó mới chính xác là đam mê. Đam mê đó có nghĩa là một trạng thái sống đầy mãnh liệt nhưng không lệ thuộc vào bất cứ một việc cụ thể nào. Đam mê đó cần sự thức tỉnh. Vì cuộc sống là tập hợp của rất, rất nhiều hoạt động khác nhau. Cớ sao ta chỉ thiên vị một vài hoạt động?

Hãy suy nghĩ về điều đó thử xem?

Hãy tự hỏi chính bạn rằng nếu bạn cứ đeo đuổi một vài thứ mà bạn cho là quan trọng (thật ra thì cũng là ai đó nói cho bạn nó quan trọng) và bỏ qua nhiều thứ khác thì bạn có thực sự cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hay không? Hãy nghĩ về điều đó !

Theo cách lý giải của một số người thì thiếu đam mê, cuộc sống của bạn sẽ vô nghĩa. Nhưng, thiếu đam mê với một thứ gì đó, thiếu một mục tiêu theo đuổi thì cuộc sống của chúng ta có thể tẻ nhạt thật nhưng chắc chắn không phải là thảm họa.

Đam mê chỉ là một yếu tố chứ không phải một sự bảo đảm cho thành công của bạn. Đôi khi, nếu không tìm thấy một thứ gì đó bạn yêu thích hay khiến bạn say mê đến mức sẵn sàng hy sinh, đánh đổi để thực hiện đến cùng thì chỉ cần bạn yêu thích vừa đủ với một thái độ nghiêm túc là được.

Hãy tập bắt đầu từ nấc thang “sở thích”. Tôi đã nhận ra điều đó khi ngồi quan sát những bạn trẻ đang tranh luận nhau.


Những sở thích tốt mang lại những điều tốt đẹp, làm cuộc sống của bạn trở nên đáng sống hơn bạn tưởng. Một sở thích tốt sẽ được hình thành dựa trên nền tảng cơ bản về những khả năng, thế mạnh của bạn.

Sở thích, ở một mức độ nào đó thì chưa thể gọi là đam mê. Ngay cả khi những sở thích  không đưa đến những đam mê thì cũng… chẳng sao. Hãy cứ đi từng bước, hãy bắt đầu bằng sở thích đơn giản và đừng băn khoăn dằn vặt nó sẽ dẫn đến cái gì cả vì điều quan trọng nhất là khám phá những khả năng ẩn bên trong bản thân thì bạn đang làm rất tốt đó thôi.

(còn tiếp)

Học từ các bậc tiền bối (3)

“Chỉ cần 12 bức ảnh đẹp trong một năm cũng đã được coi là có một mùa ảnh bội thu”.

Ansel Adams (1902 – 1984) 


Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Tôi chụp ảnh để làm gì? Đó có gọi là đam mê? (P.2)

(tiếp theo)

Nếu cố gắng liên tưởng rộng hơn chút nữa, chúng ta chẳng thấy sự khác nhau mấy giữa những người “đam mê” đó với người nghiện thuốc lá, nghiện heroin, nghiện sex…

Thay vì nghiện những thứ tôi vừa liệt kê, “những người có đam mê” của chúng ta nghiện thứ khác: tiền, danh vọng, hội họa, thi ca, nghiện máy chụp hình, một môn thể thao nào đó… và vô vàn những thứ khác.

Tất thảy những thứ mà loài người đang tìm kiếm là tập hợp những giá trị sẵn có, vốn đã bị đám đông hoặc các hệ thống chính trị, tôn giáo, xã hội… mặc nhiên xem là có giá trị đặc biệt. Ví dụ: Tiền-vật chất, danh vọng, quyền lực, địa vị, sự công nhận, tri thức… Con người đã bị đào tạo, bị tiêm nhiễm từ bé để mặc nhiên xem trọng hệ giá trị đó.

Nhiều người nói họ đam mê cái này, họ đam mê cái kia nhưng thực ra họ đang mắc kẹt vào những thứ đó, khó thoát. Cơn nghiện vật chất hiện nay của xã hội là biểu hiện rất rõ ràng của đam mê bị hiểu sai. Nó phải bị hiểu sai thôi vì có nhiều người muốn bạn hiểu sai về đam mê, càng sai càng tốt. Họ sẽ cực kỳ có lợi từ việc đó! Khi bạn bị dính vào sự "nghiện ngập" đó, bạn sẽ dễ bị "sai khiến", "lệ thuộc", chi phối! Đó là điều tiêu cực.



Hãy suy nghĩ về điều đó thử xem, khi bạn bừng tỉnh!

Trong cuộc sống, có nhiều cái, nhiều điều đáng để yêu thích thật, muốn làm được, đạt được thật, nhưng đối với cá nhân tôi, tôi chỉ muốn chúng “dừng” ở mức “sở thích” mà không muốn mình đam mê, tôi không muốn bị chi phối. Tùy từng thời điểm cuộc sống mà sẽ có những ưu tiên khác nhau, những việc cần tập trung làm khác nhau.

Thời trẻ, tôi thích đá banh, thích chơi đá banh, thích xem đá banh, thích xem những đội bóng mình yêu thích, thích mua báo bóng đá xem, thích dõi theo hoạt động của đội bóng, mừng vui cho từng thành công của đội bóng… Nhưng tôi chỉ xem đó là sở thích. Vì việc học, vì công việc nhà, tôi vẫn có thể không chơi đá banh, vì buổi hẹn với bạn gái, mà tôi có thể không xem một trận bóng quan trọng của đội mình yêu thích,  vì công việc ngày mai mà tôi có thể không thức khuya xem một trận cầu đinh mà trên cả thế giới đang mong chờ xem… Tôi thích, nhưng tôi không để “nó” chi phối, không muốn bị ảnh hưởng tiêu cực. Tôi muốn nó chỉ mang đến những điều tích cực, niềm vui giải stress cho cuộc sống mà thôi.

Đội bóng mình yêu thích thắng, mình vui, đội thua, chuyện bình thường, và không lý nào mình rước chuyện buồn phiền vào cuộc sống.

Và sau này, nhiếp ảnh đối với tôi cũng vậy. Nhiếp ảnh đã mang đến cho tôi nhiều điều, nhiều thứ, nhiều kiến thức, nhiều mối quan hệ… Tôi trân trọng những điều đó, nhưng cuộc sống cần việc làm, làm nghiêm túc, cần lo công việc gia đình, cần thời gian lo cho cha mẹ, con cái… Và vì thế tôi không bao giờ suốt ngày hay mỗi ngày đều nghĩ về nhiếp ảnh, lo việc đó, mỗi ngày đều có việc ưu tiên. 


Nhiếp ảnh hay bóng đá, với tôi, là một sở thích, một sự giải trí giúp thoát khỏi sự buồn phiền nào đó trong cuộc sống, nhẹ đầu óc sau giờ làm việc, chia vui cùng bạn bè, giúp cuộc sống được phong phú, không đơn điệu, không nhàm chán, nhưng chỉ khi đã lo xong những việc quan trọng hơn trong cuộc sống hàng ngày mà thôi

Ai đó có thể đam mê, nhưng tôi thì không như vậy, đó chỉ là sở thích.

(còn tiếp)

Học từ những bậc tiến bối (2)

“Nhiếp ảnh là những tiếng kêu dù nhỏ bé, nhưng đôi khi một bức ảnh hoặc một chùm ảnh có thể làm dấy lên sự quan tâm của cả công chúng. Người cầm máy cần nhớ điều đó và đừng quên trọng trách của mình”.

W. Eugene Smith (1918 – 1978) – Nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất với những bức ảnh chụp thời Thế chiến II




Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Tôi chụp ảnh để làm gì? Đó có gọi là đam mê? (P.1)

1. 
Nhiếp ảnh là một thế giới rộng lớn, bao la, đầy “hoa thơm cỏ lạ”, mang đến nhiều niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, và cũng đầy “cám dỗ”, nhiều “ngã rẽ”, dễ bị lạc lối nếu không xác định rõ mục tiêu, hướng đi của mình.

Ở đây, xin không bàn đến những người việc xem nhiếp ảnh là mục đích sống, là phương tiện kiếm sống, vì đó là vấn đề hoàn toàn khác. Ở đây xin giới hạn chỉ những người xem nhiếp ảnh là một niềm vui, một thú vui, relax.

Tất nhiên chơi một môn nào đó chúng ta đều cần phải có chút ít kiến thức, kỹ năng và đôi khi cả luyện tập nữa. Thế nên mới cần thời gian để đọc, để học, để hành và chia sẻ để hỏi nữa.

Nhưng như vậy không có nghĩa là mình toàn tâm toàn ý, dành nhiều thời gian cho việc đó, ưu tiên cho việc đó. Hoàn toàn không phải như vậy. Và vì vậy, nó không phải là đam mê, chỉ là một sở thích?
Mọi người thấy ai hay nói về vấn đề nào đó, hay nhầm tưởng là người đó đang đam mê việc đó. Sai lầm ! Vì có phải tất cả những việc khác mà người đó đang lo hơn, đang nghĩ nhiều hơn đều chia sẻ ra với mọi người???

ĐAM MÊ hẳn không xa lạ gì với mọi người. Quá nhiều người đã viết, đã nói, đã diễn thuyết về đam mê theo vô vàn khía cạnh khác nhau, kèm theo những minh chứng hùng hồn về hiệu quả của đam mê đối với cuộc sống, đối với ai theo đuổi thành công và truy cầu hạnh phúc… Đam mê là một biểu hiện cảm xúc mạnh mẽ. Nó không nằm trong bộ não mà ngự trị trong trái tim (những mỹ từ thật đẹp)

Như vậy rõ ràng đam mê theo nghĩa đó có nghĩa là bị hấp dẫn, bị lôi cuốn, bị nhập tâm, bị thèm muốn, bị chi phối một cách mãnh liệt hướng tới một thứ gì đó cụ thể, ngày nào cũng quan tâm việc đó, lo việc đó.



Đam mê còn được định nghĩa như một thái độ sống, như một thứ không thể thiếu đối với mỗi người, người thiếu đam mê thì vô vị!  Mọi người thường “định nghĩa”, thường quan niệm vậy (thôi thì nên cũng bỏ qua, không chấp nhứt làm gì vì xã hội này luôn đầy những thành kiến mà !). nhưng theo mình thì “đam mê” có tích cực nhưng cũng có tiêu cực nữa, quan trọng là điều mình chọn, mức độ mình chọn. Cái gì "quá" cũng ảnh hưởng không tốt, cho dù bản chất nó là chuyện tốt.

Đam mê mà chúng ta hay được nghe là sự thiên vị đặc biệt đối với một hoặc một vài hoạt động nào đó trong cuộc sống chúng ta, khi đó, những hoạt động khác trở thành thứ yếu, không quan trọng! Chúng ta có cần nhất thiết phải đam mê một việc nào theo cách nhìn đó? Để được xem là người sống có đam mê, mẫu người lý tưởng?

(còn tiếp)

Vì sao chưa nên “lên” Fullframe?

Vì bị “ngoại cảnh” tác động nhiều quá, và một số anh em tốt, muốn mình cũng được như họ, muốn mình có được “cảnh giới” cao hơn nên “dụ” mình lên FF hoài. Nhưng thật sự thì hiện tại, điều đó không nên, bởi vì:

- Kinh tế gia đình không dư giả để cho phép xài phung phí
- Việc học của con cái cần học phí nhiều, kéo dài khá nhiều năm, cần để dành tiền nuôi con ăn học, điều đó cần hơn những thứ khác của bản thân
- Chụp ảnh không làm ra tiền nên không cần đầu tư tốn kém quá nhiều như vậy. Cái cần đầu tư là kiến thức, kỹ thuật, thực hành.
- Chụp ảnh chỉ là thú vui cá nhân, relax cho nhẹ đầu, có thêm bạn bè. Chơi cho vui ngoài giờ làm việc, ngoài lúc lo chuyện nhà.
- Không cần khoe hay chứng minh đẳng cấp gì với mọi người
- Máy Crop vẫn có thể cho ảnh đẹp, nếu chịu khó học & thực hành
- Máy FF vẫn cho ảnh xấu nếu không nằm vững kỹ thuật, không chịu học
- Trình độ của mình bây giờ chụp hình sẽ làm “mất mặt” cái máy FF
- Sợ quê, không chia xẻ ảnh được thì mất cơ hội học tập, không được anh em góp ý sửa sai, không được góp ý sửa sai thì không tiến bộ được.

Nhiêu đó điều thôi chắc anh em cũng thông cảm, không “rủ rê” mình “lên” FF nữa. Không biết có ai giống mình không?


Tất nhiên sau này, nếu con cái học hành thành tài, điều kiện gia đình dư dả thì có thể nghĩ đến việc “lên” FF . Chắc cũng còn lâu lắm, lắm lắm luôn ! Mà lúc đó mình có còn cầm máy ảnh được hay không, còn thích FF không nữa ! :)

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Học từ những bậc tiền bối (1)

“Có hai thể loại chụp chân dung, thứ nhất là chụp một bức ảnh chỉ để xem trông họ thế nào, thứ hai chụp một bức chân dung thể hiện họ thực sự là ai”.

Paul Caponigro (1932) – nhiếp ảnh gia hàng đầu của Mỹ