Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

Nên ngắm nhìn những ảnh nào?

- “Tại sao không rửa mấy hình T chụp được rồi để ở bàn làm việc?”
- “Sao không để wallpaper là những tấm hình anh chụp được mà để hình người khác chụp?”
- “Sao con không phóng một tấm hình con chụp rồi treo lên, người ta hay làm vậy. Ba thấy nhiều hình đẹp mà!”
… … …
Những câu hỏi tương tự như vậy vẫn thường hay xảy ra
Có lẽ mình cũng sẽ vẫn không làm theo những lời khuyên đó, mà vẫn muốn để những tấm hình đẹp lượm lặt được, những góc máy hay của người khác, những ý tưởng hay gợi ý cho mình… trên máy để nhìn mỗi ngày, để ghi nhớ, để học, để nhắc nhở mình những gì mình còn chưa làm được, muốn thực hiện và cần thực hiện. Học hỏi những gì hay của người khác không có gì là xấu hổ.
Không phải phủ nhận hay chê những tấm hình đã chụp, hài lòng đó chứ ! Nhưng cái gì làm được rồi thôi, cho qua, bước tiếp, phấn đấu đạt được hơn nữa, chứ không nên ngồi đó ngắm nhìn thành quả, tự sướng vô bổ.
Phải chụp được những ảnh đẹp hơn, góc máy hay hơn, ý tưởng hay hơn… Chứ không thể mãi tự hài lòng, ngắm nhìn mãi điều mình đạt được. Phải hơn nữa.
Và cuộc sống cũng cần vậy.


Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Sách và Nhiếp ảnh

Mấy hôm nay đọc được sách nhiều, và cố gắng tranh thủ đọc nhiều hơn, có lúc hơn chỉ tiêu 1 cuốn / tuần, và học, ghi nhớ được nhiều điều hay. Cảm thấy hài lòng, cố gắng tiếp tục.

Dường như việc đọc, phải hiểu và rút ra điều hay từ mỗi cuốn sách giống như chụp ảnh chân dung vậy, chụp cho mẫu nữ mà không tìm ra nét đẹp, góc chụp đẹp để có tấm hình đẹp là lỗi của người chụp vậy, không bao giờ được chê mẫu xấu, không đẹp là do mình.


Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Creative

Sáng tạo là làm cách khác, nhìn cách khác cho hình ảnh, sự việc bình thường trở nên thú vị, đỡ nhàm chán



Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Một gã gàn dở !

Thật không ai ngược đời như mình !

Cầm máy ảnh mà không nghĩ đến việc kiếm tiền, chụp hình kiếm tiền, đến việc có nhiều ảnh đẹp đi dự thi quốc tế, triển lãm ảnh… Người ta thường bỏ chi phí kha khá ra cho máy ảnh, cho ống kính thường nghĩ đến việc thu lại, mình lại không như vậy, mà chỉ cầm máy ảnh vì niềm vui mà nó mang lại cho mình:

Niềm vui khi cầm chiếc máy ảnh ưa thích trên tay,

Niềm vui khi làm chủ được kỹ thuật,

Niềm vui khi nghe tiếng màn trập êm tai,

Rồi từ đó là niềm vui khi ghi lại được những khoảng khắc đời thường, những khoảng khắc đẹp, những bức chân dung, những phong cảnh đẹp, những thời khắc, những phóng sự ảnh…


Niềm vui khi nhìn được sự vật dưới góc nhìn khác, thấy yêu đời, thấy yêu thiên nhiên, yêu những cảnh vật bình thường chung quanh hơn…

và được chia xẻ với những người bạn thân..

Chỉ vậy thôi.

À, mà chưa hết, còn cả việc dứt khoát không lên máy FF mà vẫn cứ xài máy crop, chỉ để không phải nghe câu “Hình chụp đẹp quá, máy xịn có khác” !

Thật đúng là gàn dở, ương ương !

Bạn đã đọc kỹ chưa?

"Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng"


Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

Bài học trên hành trình nhiếp ảnh (2)

Khi cầm máy:

-          Luôn xác định rõ tiêu điểm của bức ảnh sẽ là gì.

-          Quan sát nơi mình muốn chụp trước tiên với tình yêu và cảm hứng, sau rồi mới giơ máy lên ngắm.

-          Tự hỏi câu hỏi: “Mình muốn thể hiện điều gì trong bức ảnh của mình?”

-          Bố cục không học được như có thể luyện tập

-          Cố gắng tìm ra nhiều bố cục hơn.

-          Chú ý tới qui tắc “tỷ lệ vàng”.

-          Tạo vẻ đẹp cho ảnh phong cảnh bằng sự hiện diện của một con người

-          Chú ý tới các đường cong chữ S và các đường viền.

-          Luôn phải chú ý đến hậu cảnh

-          Thông thạo các quy luật trước khi phá vỡ nó một cách thông minh

-          Phá những nguyên tắc nhiếp ảnh một cách hiểu biết, đừng phá máy ảnh.

-          Chú ý tới hiệu ứng ánh sáng khác nhau ở các chỗ khác nhau trong quang cảnh muốn chụp.

-          Ánh mắt luôn tìm tới nhưng điểm tương phản.

-          Góc chụp là một sát thủ thực sự.



-          Không thể chụp được tất cả mọi thứ.

-          Thử nghiệm các mức độ phơi sáng càng nhiều càng tốt

-          Bấm máy càng nhiều càng tốt.

-          Đừng sợ bẩn chân tay hay quần áo.

-          Chụp những thứ mình chưa chụp bao giờ

-          Đôi mắt là cửa sổ của một bức ảnh chân dung



-          Đừng bao giờ tin vào màn LCD. Thường hình ảnh bao giờ cũng sáng và căng nét trên màn LCD.

-          Luôn nỗ lực hơn khả năng sức khỏe và trí lực cho phép. Chụp thêm vài kiểu nữa ngay cả khi bạn nghĩ “thế là đủ.”

-          Chú ý tới quang cảnh bầu trời và chờ đợi lúc quang cảnh bầu trời phù hợp với cảnh bạn định chụp

-          Năng tới chụp ở cùng một địa điểm càng nhiều càng tốt. Ánh sáng ở những thời điểm khác nhau sẽ cho quang cảnh khác nhau

-          Một trong thói quen đáng kể nhất trong giới nhiếp ảnh không chuyên là sự do dự của người cầm máy. Sự lưỡng lự trong một số hoàn cảnh là cản trở lớn cho việc ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời thoáng qua.

(còn tiếp)

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

Bài học trên hành trình nhiếp ảnh (1)


Kể từ khi tôi nghiên cứu về nhiếp ảnh, tôi đã học được những điều khác nhau mà tôi muốn chia sẻ với các bạn ngày hôm nay. Những bài học này đã làm cho cuộc sống tôi phong phú hơn và tôi hy vọng rằng các bạn sẽ tìm thấy những điều mới mẻ ở nhiếp ảnh, lấy cảm hứng từ cuộc hành trình của bạn với chiếc máy ảnh”  -   Martin Gommel, nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Đức

Sau đây là các bài học mà Martin Gommel đã đưa cho người chơi ảnh

Chuẩn bị:

-          Chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi chụp. Để đến khi đang loay hoay chỉnh máy chụp cảnh bình minh mới nhận ra sắp hết pin thì đã quá muộn.

-          Luôn mang theo quần áo ấm khi đi chụp.

-          Chú ý tới những cảm nhận và suy nghĩ của mình trong khi chụp.

-          Đề ra các mục tiêu có thể đạt được.

-          Tìm hiểu kỹ lưỡng chiếc máy ảnh của bạn. Tìm kiếm các chức năng trên menu trong đêm là thời gian bạn không bao giờ muốn phí phạm.

-          Luôn kiểm tra lại chế độ ISO, mode. Thật khủng khiếp nếu phát hiện máy bị đặt sai chế độ.

-          Luôn có mặt tại địa điểm chụp ảnh nửa tiếng trước khi mặt trời mọc hay mặt trời lặn vì bạn không nên chụp vội vã

-          Luôn mang máy theo khi có thể để không bao giờ làm lỡ mất một khoảng khắc đẹp



(còn tiếp)

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Nhìn lại và định hướng

Đã hơn 3 năm cầm máy chiếc máy DSRL, vẫn biết với số ảnh chụp chưa đến 10.000 thì đừng hy vọng có tấm ảnh đẹp, như lời các vị tiền bối, nhưng vẫn vui vì thời gian qua đã có được những trải nghiệm cùng với chiếc máy tuy tầm thường nhưng rất yêu quý, có được những kiến thức bổ ích cả về cuộc sống, có được thêm những người bạn, những vị sư huynh, sư đệ tốt. Nhìn chung thì “cái chính” là chụp tốt hơn thì chưa được nhiều, nhưng “cái phụ” thì được khá nhiều ! Hi... Thôi có bonus là tốt rồi, không gì phải vội.
Mình đang đứng ở đâu trên con đường dài nhiếp ảnh thì mình thừa biết.


Một “entry level” chưa bao giờ nuôi mộng trở thành “professional” (mà thành professional để làm chi?), xác định rõ vào con đường này chỉ để relax, để có kiến thức, chứ không để kiếm tiền. Có một vị sư huynh nói rằng phải hướng đến kiếm được tiền từ bức ảnh chứ không chụp chỉ để cho vui, chỉ để up FB chia xẻ mọi người. OK, không có gì sai vì quan niệm sống, hoàn cảnh sống của mỗi người mỗi khác, nhưng mình thì không như vậy mà thôi. Có được thời gian rảnh, xách máy đi lang thang chụp với cái đầu nhẹ nhàng đã là một niềm vui, một hạnh phúc, chứ không nhất thiết phải có một ảnh đẹp, không phải không có tấm hình đẹp là thất bại.
Được đi cầm máy đi đã là vui, đã là được thêm trải nghiệm, có được một tấm hình đẹp thì tốt, xem như bonus, không có không sao, học được thêm kinh nghiệm để lần sau chụp đẹp hơn.
Một người bước vào con đường nhiếp ảnh đầy hoa hồng cùng chông gai thử thách, mà không qua trường lớp nào (vì không có thời gian để đi học, để đi thực hành cùng thầy bạn như những người may mắn khác), chỉ tự tìm tài liệu đọc trên mạng rồi mày mò tập, được may mắn có vài vị sư huynh vui vẻ chỉ dẫn, cùng 2-3 buổi học miễn phí của các công ty bán máy,… Thế nên sự chậm tiến cũng không gì khó hiểu và vui vẻ chấp nhận. Nhất là khi bản thân mình là đứa học chậm, luôn phải mất thời gian gấp đôi để thuộc được một bài so với các bạn cùng lớp.
Cần cù bù thông minh vậy.
Và có muốn ganh đua với ai đâu. Có gì đâu mà phải vội vàng? Tiếp tục “đi dạo” và tận hưởng những niềm vui mà nhiếp ảnh mang lại đã.


Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Không tựa đề !

Hơn cả tháng trời mà không có tấm ảnh nào ưng ý thì cảm giác giống như cầu thủ đá tiền đạo mà suốt một tháng không ghi được bàn thắng nào, khó chịu làm sao, như chưa hoàn thành điều gì đó vậy.

Mà cũng phải quen với cảm giác này thôi, thời gian rảnh đâu mà được cầm máy đi mỗi tuần như các tay máy khác, như anh em trong hội. Lúc rảnh được thì mệt mỏi rồi, chỉ muốn nằm thẳng cẳng! Chấp nhận vậy, vì còn nhiều việc quan trọng hơn, phải làm mỗi ngày hơn.

Mà kỳ lạ thật, ở đây nhiều người làm giống như ngày mai không còn được làm, không còn kiếm tiền được nữa vậy. Hay là họ thức thời, biết nhìn xa hơn mình? Tại vậy mà khiến nhiều lúc mình cũng phải gạt mọi thứ ham muốn để ráng làm việc...

Thấy người khác có những tấm ảnh đẹp, những góc ảnh, những ý tưởng mà mình đã muốn chụp từ lâu nhưng chưa có điều kiện thực hiện, nay thấy người khác chụp được, cảm thấy sao sao đó.... Không phải đi đâu cũng mang máy theo được, không phải lúc nào cũng dám lấy máy ra cầm chụp được, bị giật máy như chơi!

Rồi mỗi lần đi ngang những ngôi chùa, những ngôi nhà thờ, không lần nào là không nghĩ đến bộ ảnh kiến trúc chùa VN, kiến trúc nhà thờ VN mà mình chưa có điều kiện thực hiện. Rồi những dự án ảnh khác nữa mà mỗi khi thấy hình người khác chụp có liên quan, lại thấy sao sao trong người...

Thôi kệ ! Đành để sau này vậy. Mà sau này là khi nào cũng chẳng biết !


Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

"Anh ơi, muốn mua máy chụp hình, em nên mua máy hiệu gì? máy nào tốt hơn?"

Một câu hỏi rất bình dân, phổ biến mà ở đâu ta cũng có thể nghe, có thể thấy ở mọi diễn đàn liên quan nhiếp ảnh. Một câu hỏi rất đơn giản, nhưng để trả lời thì không thể ngắn gọn, đơn giản được, khiến người được hỏi chỉ biết cười. Nó tương tự như câu hỏi "Anh ơi, chỉ cho em biết cách điều trị đau bụng hiệu quả, thuốc nào là tốt nhất?"

Nhưng cũng phải nghĩ cách trả lời, vì người ta hỏi và chờ mình trả lời. Haizz


Giống như để điều trị đau bụng, thì phải biết đau bụng ở đâu, rồi tìm nguyên nhân, trong bụng có cả mấy trăm nguyên nhân gây bệnh, hàng trăm thứ bệnh... Vì thế để trả lời một câu "đơn giản, ngắn gọn" như thế thì phải qua lần lượt các cuốn sách dày cộm: sách Giải phẫu, sách Sinh lý học, sách Sinh lý bệnh rồi tới sách triệu chứng học, rồi đến sách Bệnh học Nội khoa, Bệnh học Ngoại khoa, đó là chưa nói đến từng bệnh còn có nhiều cuốn sách chuyên sâu nữa... Ớn chưa, rối mới đến Điều trị học với hàng đống sách Điều trị Nội khoa, Ngoại khoa, Dược Lý... Vậy đó, nói cả ngày không hết mà kêu mình trả lời ngắn gọn sau nổi ! Hic

1. Mua máy hiệu gì?

Muốn mua cái gì, thì cũng phải cho người ta biết mình thích điều gì, muốn điều gì chứ, nói chung chung thì câu trả lời cũng chung chung !

- Máy compact thì tiền nào của đó, càng mắc thì càng có nhiều ưu điểm hơn mà những dòng rẻ tiền không có, bị nhà sản xuất giấu nhẹm không nói đến khi quảng cáo. Hiệu nào cũng có máy tốt, ăn thua nhu cầu mình như thế nào mà thôi.

- Muốn hơn máy compact mà vẫn thích gọn nhẹ thì chọn dòng Mirroless. Dòng này có Sony, Fuji, Olympus, Samsung, Panasonic

- Thích máy to, hầm hố chút thì chọn máy DSRL. Thích nhãn hiệu phổ biến thì Nikon, Canon, xếp sau đó là Pentax

2. Máy nào tốt hơn?

Nhãn hiệu nào cũng có máy tốt. Máy càng đắt tiền càng tốt, đương nhiên, tốt nhất là máy Leica. Haha... Nhưng cách trả lời này dễ bị ăn gạch đá.

- Phải nói tầm tiền mình để dành mua máy là bao nhiêu thì mới chọn máy tốt trong tầm tiền đó được

- Muốn tốt nhiều, làm được nhiều thì chọn máy Fullframe. Muốn kiếm tiền từ việc chụp ảnh thì dứt khoát nên là Fullframe 

- Còn chỉ để chơi, giải trí thì Crop hay Fullframe đều được, tùy điều kiện kinh tế gia đình.

- và đừng quên còn phải để dành khoản tiền tương đương giá máy ảnh để sắm thêm ống kính và một số phụ kiện (đàn flash, chân máy, filter...) nữa.

Túm lại, khi hỏi người ta nên mua máy nào thì cần phải cho biết luôn để người được hỏi có thể trả lời được:
- Ai sử dụng
- Yêu cầu của mình là những gì?
- Chụp những thể loại nào?
- và quan trọng nhất: khoản tiền dự tính bỏ ra để mua là bao nhiêu?
- có tính xa hơn nữa không?

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Linh tinh (t.t.)

Vẫn lại là linh tinh.
Số 7 là đẹp. Số Lộc Phát (68) cũng đẹp, nhưng Phát Lộc (86) đẹp hơn


Có một bé trong cơ quan nói mình nhạy cảm quá, giờ có thêm "đồng minh" với nhận định của bé ấy đây:


Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Ghi nhớ (1)

"Giận là đem những lỗi lầm của người khác trừng phạt bản thân mình"


(Ghi lại để không được quên và tự răn mình) 

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Học từ các bậc tiền nhân (5)


Đức Đạt Lai Lạt Ma dạy quá hay, đúng trong nhiều lĩnh vực. Cũng giống như con diều muốn bay cao phải có dây kéo, nhờ dây kéo ngược chiều gió để bay lên, lên cao rồi có thể thoải chí bay lượn. Viết văn cũng phải học từng thể loại, cách hành văn, đến khi thành thạo rồi có thể viết phá cách... Và nhiếp ảnh cũng vậy, học bố cục, rồi sáng tác phá bố cục, bám theo nguyên tắc thì sẽ không có sáng tạo, không có nghệ thuật...

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Lại linh tinh

Vẫn lại là mấy trò relax linh tinh, nhưng cũng thú vị.
- Vừa răn mình phải học theo lời Đức Khổng Tử xong thì bài test "nhắc nhở" mình "không nên đánh giá con người một cách quá vội vàng"
- Hồi nhỏ ao ước được qua Pháp sống thiệt
- Giống chú gấu trúc, haha





Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Linh tinh

Chắc tại buổi chiều lỡ uống ly cafe hơi nhiều nên tối khó ngủ. Thức lang thang trên net, thấy mấy trang dự đoán quá khứ tương lai hiện tại, bằng cách trả lời một chục câu test. Kết quả cũng thú vị:
- 42 tuổi: mừng quá, chưa già lắm !
- Không phải là gay: hú hồn ! haha
- 1 tay súng bắn tỉa hoàn hảo: ghê vậy ta !
- Sau này sẽ chết vì tuổi cao ! Vậy tốt nhất là không nên làm sát thủ bắn tỉa :)



Điều dự đoán sau cùng này mới hay nè !



Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Học từ các bậc tiền bối (4)

“Nhiếp ảnh mở những cánh cửa vào quá khứ, nhưng chúng cũng mở ra cách nhìn về tương lai”

Sally Mann (1951) – nhiếp ảnh gia người Mỹ được biết đến với thể loại ảnh đen trắng bao trùm nhiều đối tượng, gồm cả ảnh chân dung và phong cảnh



Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Tôi chụp ảnh để làm gì? Đó có gọi là đam mê? (P.3)

(tiếp theo)


Tôi đã ngộ ra vào một thời khắc trong đời mình. Cuộc sống của tôi từ đó đã có trật tự hơn.

Bạn đã bao giờ bắt gặp loại người mà xung quanh của họ là một bầu không khí thật đặt biệt chưa? Bầu không khí của tự do và tình yêu cuộc sống. Bầu không khí của cảm hứng. Bầu không khí của sự kết nối sâu sắc vào mỗi hành động của họ.
  • Khi họ làm việc họ sẽ làm hết mình.
  • Khi nghỉ ngơi họ sẽ chẳng quan tâm đến công việc.
  • Khi yêu họ sẽ yêu hết lòng.
  • Khi chơi thể thao họ sẽ hòa làm một với thể thao.
  • Khi ăn họ sẽ ăn ngon lành.
  • Khi trò chuyện họ lắng nghe theo cách đặc biệt và trao đổi với mọi người ân cần, cởi mở.
  • … … …
Họ làm bất cứ thứ gì cũng với cảm hứng và với năng lượng cao. Thậm chí khi người đó buồn bạn cũng sẽ thấy cách họ đối diện và đốt cháy nỗi buồn ra sao!

Đó mới chính xác là đam mê. Đam mê đó có nghĩa là một trạng thái sống đầy mãnh liệt nhưng không lệ thuộc vào bất cứ một việc cụ thể nào. Đam mê đó cần sự thức tỉnh. Vì cuộc sống là tập hợp của rất, rất nhiều hoạt động khác nhau. Cớ sao ta chỉ thiên vị một vài hoạt động?

Hãy suy nghĩ về điều đó thử xem?

Hãy tự hỏi chính bạn rằng nếu bạn cứ đeo đuổi một vài thứ mà bạn cho là quan trọng (thật ra thì cũng là ai đó nói cho bạn nó quan trọng) và bỏ qua nhiều thứ khác thì bạn có thực sự cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hay không? Hãy nghĩ về điều đó !

Theo cách lý giải của một số người thì thiếu đam mê, cuộc sống của bạn sẽ vô nghĩa. Nhưng, thiếu đam mê với một thứ gì đó, thiếu một mục tiêu theo đuổi thì cuộc sống của chúng ta có thể tẻ nhạt thật nhưng chắc chắn không phải là thảm họa.

Đam mê chỉ là một yếu tố chứ không phải một sự bảo đảm cho thành công của bạn. Đôi khi, nếu không tìm thấy một thứ gì đó bạn yêu thích hay khiến bạn say mê đến mức sẵn sàng hy sinh, đánh đổi để thực hiện đến cùng thì chỉ cần bạn yêu thích vừa đủ với một thái độ nghiêm túc là được.

Hãy tập bắt đầu từ nấc thang “sở thích”. Tôi đã nhận ra điều đó khi ngồi quan sát những bạn trẻ đang tranh luận nhau.


Những sở thích tốt mang lại những điều tốt đẹp, làm cuộc sống của bạn trở nên đáng sống hơn bạn tưởng. Một sở thích tốt sẽ được hình thành dựa trên nền tảng cơ bản về những khả năng, thế mạnh của bạn.

Sở thích, ở một mức độ nào đó thì chưa thể gọi là đam mê. Ngay cả khi những sở thích  không đưa đến những đam mê thì cũng… chẳng sao. Hãy cứ đi từng bước, hãy bắt đầu bằng sở thích đơn giản và đừng băn khoăn dằn vặt nó sẽ dẫn đến cái gì cả vì điều quan trọng nhất là khám phá những khả năng ẩn bên trong bản thân thì bạn đang làm rất tốt đó thôi.

(còn tiếp)

Học từ các bậc tiền bối (3)

“Chỉ cần 12 bức ảnh đẹp trong một năm cũng đã được coi là có một mùa ảnh bội thu”.

Ansel Adams (1902 – 1984) 


Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Tôi chụp ảnh để làm gì? Đó có gọi là đam mê? (P.2)

(tiếp theo)

Nếu cố gắng liên tưởng rộng hơn chút nữa, chúng ta chẳng thấy sự khác nhau mấy giữa những người “đam mê” đó với người nghiện thuốc lá, nghiện heroin, nghiện sex…

Thay vì nghiện những thứ tôi vừa liệt kê, “những người có đam mê” của chúng ta nghiện thứ khác: tiền, danh vọng, hội họa, thi ca, nghiện máy chụp hình, một môn thể thao nào đó… và vô vàn những thứ khác.

Tất thảy những thứ mà loài người đang tìm kiếm là tập hợp những giá trị sẵn có, vốn đã bị đám đông hoặc các hệ thống chính trị, tôn giáo, xã hội… mặc nhiên xem là có giá trị đặc biệt. Ví dụ: Tiền-vật chất, danh vọng, quyền lực, địa vị, sự công nhận, tri thức… Con người đã bị đào tạo, bị tiêm nhiễm từ bé để mặc nhiên xem trọng hệ giá trị đó.

Nhiều người nói họ đam mê cái này, họ đam mê cái kia nhưng thực ra họ đang mắc kẹt vào những thứ đó, khó thoát. Cơn nghiện vật chất hiện nay của xã hội là biểu hiện rất rõ ràng của đam mê bị hiểu sai. Nó phải bị hiểu sai thôi vì có nhiều người muốn bạn hiểu sai về đam mê, càng sai càng tốt. Họ sẽ cực kỳ có lợi từ việc đó! Khi bạn bị dính vào sự "nghiện ngập" đó, bạn sẽ dễ bị "sai khiến", "lệ thuộc", chi phối! Đó là điều tiêu cực.



Hãy suy nghĩ về điều đó thử xem, khi bạn bừng tỉnh!

Trong cuộc sống, có nhiều cái, nhiều điều đáng để yêu thích thật, muốn làm được, đạt được thật, nhưng đối với cá nhân tôi, tôi chỉ muốn chúng “dừng” ở mức “sở thích” mà không muốn mình đam mê, tôi không muốn bị chi phối. Tùy từng thời điểm cuộc sống mà sẽ có những ưu tiên khác nhau, những việc cần tập trung làm khác nhau.

Thời trẻ, tôi thích đá banh, thích chơi đá banh, thích xem đá banh, thích xem những đội bóng mình yêu thích, thích mua báo bóng đá xem, thích dõi theo hoạt động của đội bóng, mừng vui cho từng thành công của đội bóng… Nhưng tôi chỉ xem đó là sở thích. Vì việc học, vì công việc nhà, tôi vẫn có thể không chơi đá banh, vì buổi hẹn với bạn gái, mà tôi có thể không xem một trận bóng quan trọng của đội mình yêu thích,  vì công việc ngày mai mà tôi có thể không thức khuya xem một trận cầu đinh mà trên cả thế giới đang mong chờ xem… Tôi thích, nhưng tôi không để “nó” chi phối, không muốn bị ảnh hưởng tiêu cực. Tôi muốn nó chỉ mang đến những điều tích cực, niềm vui giải stress cho cuộc sống mà thôi.

Đội bóng mình yêu thích thắng, mình vui, đội thua, chuyện bình thường, và không lý nào mình rước chuyện buồn phiền vào cuộc sống.

Và sau này, nhiếp ảnh đối với tôi cũng vậy. Nhiếp ảnh đã mang đến cho tôi nhiều điều, nhiều thứ, nhiều kiến thức, nhiều mối quan hệ… Tôi trân trọng những điều đó, nhưng cuộc sống cần việc làm, làm nghiêm túc, cần lo công việc gia đình, cần thời gian lo cho cha mẹ, con cái… Và vì thế tôi không bao giờ suốt ngày hay mỗi ngày đều nghĩ về nhiếp ảnh, lo việc đó, mỗi ngày đều có việc ưu tiên. 


Nhiếp ảnh hay bóng đá, với tôi, là một sở thích, một sự giải trí giúp thoát khỏi sự buồn phiền nào đó trong cuộc sống, nhẹ đầu óc sau giờ làm việc, chia vui cùng bạn bè, giúp cuộc sống được phong phú, không đơn điệu, không nhàm chán, nhưng chỉ khi đã lo xong những việc quan trọng hơn trong cuộc sống hàng ngày mà thôi

Ai đó có thể đam mê, nhưng tôi thì không như vậy, đó chỉ là sở thích.

(còn tiếp)

Học từ những bậc tiến bối (2)

“Nhiếp ảnh là những tiếng kêu dù nhỏ bé, nhưng đôi khi một bức ảnh hoặc một chùm ảnh có thể làm dấy lên sự quan tâm của cả công chúng. Người cầm máy cần nhớ điều đó và đừng quên trọng trách của mình”.

W. Eugene Smith (1918 – 1978) – Nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất với những bức ảnh chụp thời Thế chiến II




Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Tôi chụp ảnh để làm gì? Đó có gọi là đam mê? (P.1)

1. 
Nhiếp ảnh là một thế giới rộng lớn, bao la, đầy “hoa thơm cỏ lạ”, mang đến nhiều niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, và cũng đầy “cám dỗ”, nhiều “ngã rẽ”, dễ bị lạc lối nếu không xác định rõ mục tiêu, hướng đi của mình.

Ở đây, xin không bàn đến những người việc xem nhiếp ảnh là mục đích sống, là phương tiện kiếm sống, vì đó là vấn đề hoàn toàn khác. Ở đây xin giới hạn chỉ những người xem nhiếp ảnh là một niềm vui, một thú vui, relax.

Tất nhiên chơi một môn nào đó chúng ta đều cần phải có chút ít kiến thức, kỹ năng và đôi khi cả luyện tập nữa. Thế nên mới cần thời gian để đọc, để học, để hành và chia sẻ để hỏi nữa.

Nhưng như vậy không có nghĩa là mình toàn tâm toàn ý, dành nhiều thời gian cho việc đó, ưu tiên cho việc đó. Hoàn toàn không phải như vậy. Và vì vậy, nó không phải là đam mê, chỉ là một sở thích?
Mọi người thấy ai hay nói về vấn đề nào đó, hay nhầm tưởng là người đó đang đam mê việc đó. Sai lầm ! Vì có phải tất cả những việc khác mà người đó đang lo hơn, đang nghĩ nhiều hơn đều chia sẻ ra với mọi người???

ĐAM MÊ hẳn không xa lạ gì với mọi người. Quá nhiều người đã viết, đã nói, đã diễn thuyết về đam mê theo vô vàn khía cạnh khác nhau, kèm theo những minh chứng hùng hồn về hiệu quả của đam mê đối với cuộc sống, đối với ai theo đuổi thành công và truy cầu hạnh phúc… Đam mê là một biểu hiện cảm xúc mạnh mẽ. Nó không nằm trong bộ não mà ngự trị trong trái tim (những mỹ từ thật đẹp)

Như vậy rõ ràng đam mê theo nghĩa đó có nghĩa là bị hấp dẫn, bị lôi cuốn, bị nhập tâm, bị thèm muốn, bị chi phối một cách mãnh liệt hướng tới một thứ gì đó cụ thể, ngày nào cũng quan tâm việc đó, lo việc đó.



Đam mê còn được định nghĩa như một thái độ sống, như một thứ không thể thiếu đối với mỗi người, người thiếu đam mê thì vô vị!  Mọi người thường “định nghĩa”, thường quan niệm vậy (thôi thì nên cũng bỏ qua, không chấp nhứt làm gì vì xã hội này luôn đầy những thành kiến mà !). nhưng theo mình thì “đam mê” có tích cực nhưng cũng có tiêu cực nữa, quan trọng là điều mình chọn, mức độ mình chọn. Cái gì "quá" cũng ảnh hưởng không tốt, cho dù bản chất nó là chuyện tốt.

Đam mê mà chúng ta hay được nghe là sự thiên vị đặc biệt đối với một hoặc một vài hoạt động nào đó trong cuộc sống chúng ta, khi đó, những hoạt động khác trở thành thứ yếu, không quan trọng! Chúng ta có cần nhất thiết phải đam mê một việc nào theo cách nhìn đó? Để được xem là người sống có đam mê, mẫu người lý tưởng?

(còn tiếp)

Vì sao chưa nên “lên” Fullframe?

Vì bị “ngoại cảnh” tác động nhiều quá, và một số anh em tốt, muốn mình cũng được như họ, muốn mình có được “cảnh giới” cao hơn nên “dụ” mình lên FF hoài. Nhưng thật sự thì hiện tại, điều đó không nên, bởi vì:

- Kinh tế gia đình không dư giả để cho phép xài phung phí
- Việc học của con cái cần học phí nhiều, kéo dài khá nhiều năm, cần để dành tiền nuôi con ăn học, điều đó cần hơn những thứ khác của bản thân
- Chụp ảnh không làm ra tiền nên không cần đầu tư tốn kém quá nhiều như vậy. Cái cần đầu tư là kiến thức, kỹ thuật, thực hành.
- Chụp ảnh chỉ là thú vui cá nhân, relax cho nhẹ đầu, có thêm bạn bè. Chơi cho vui ngoài giờ làm việc, ngoài lúc lo chuyện nhà.
- Không cần khoe hay chứng minh đẳng cấp gì với mọi người
- Máy Crop vẫn có thể cho ảnh đẹp, nếu chịu khó học & thực hành
- Máy FF vẫn cho ảnh xấu nếu không nằm vững kỹ thuật, không chịu học
- Trình độ của mình bây giờ chụp hình sẽ làm “mất mặt” cái máy FF
- Sợ quê, không chia xẻ ảnh được thì mất cơ hội học tập, không được anh em góp ý sửa sai, không được góp ý sửa sai thì không tiến bộ được.

Nhiêu đó điều thôi chắc anh em cũng thông cảm, không “rủ rê” mình “lên” FF nữa. Không biết có ai giống mình không?


Tất nhiên sau này, nếu con cái học hành thành tài, điều kiện gia đình dư dả thì có thể nghĩ đến việc “lên” FF . Chắc cũng còn lâu lắm, lắm lắm luôn ! Mà lúc đó mình có còn cầm máy ảnh được hay không, còn thích FF không nữa ! :)

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Học từ những bậc tiền bối (1)

“Có hai thể loại chụp chân dung, thứ nhất là chụp một bức ảnh chỉ để xem trông họ thế nào, thứ hai chụp một bức chân dung thể hiện họ thực sự là ai”.

Paul Caponigro (1932) – nhiếp ảnh gia hàng đầu của Mỹ