Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Một gã gàn dở !

Thật không ai ngược đời như mình !

Cầm máy ảnh mà không nghĩ đến việc kiếm tiền, chụp hình kiếm tiền, đến việc có nhiều ảnh đẹp đi dự thi quốc tế, triển lãm ảnh… Người ta thường bỏ chi phí kha khá ra cho máy ảnh, cho ống kính thường nghĩ đến việc thu lại, mình lại không như vậy, mà chỉ cầm máy ảnh vì niềm vui mà nó mang lại cho mình:

Niềm vui khi cầm chiếc máy ảnh ưa thích trên tay,

Niềm vui khi làm chủ được kỹ thuật,

Niềm vui khi nghe tiếng màn trập êm tai,

Rồi từ đó là niềm vui khi ghi lại được những khoảng khắc đời thường, những khoảng khắc đẹp, những bức chân dung, những phong cảnh đẹp, những thời khắc, những phóng sự ảnh…


Niềm vui khi nhìn được sự vật dưới góc nhìn khác, thấy yêu đời, thấy yêu thiên nhiên, yêu những cảnh vật bình thường chung quanh hơn…

và được chia xẻ với những người bạn thân..

Chỉ vậy thôi.

À, mà chưa hết, còn cả việc dứt khoát không lên máy FF mà vẫn cứ xài máy crop, chỉ để không phải nghe câu “Hình chụp đẹp quá, máy xịn có khác” !

Thật đúng là gàn dở, ương ương !

Bạn đã đọc kỹ chưa?

"Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng"


Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

Bài học trên hành trình nhiếp ảnh (2)

Khi cầm máy:

-          Luôn xác định rõ tiêu điểm của bức ảnh sẽ là gì.

-          Quan sát nơi mình muốn chụp trước tiên với tình yêu và cảm hứng, sau rồi mới giơ máy lên ngắm.

-          Tự hỏi câu hỏi: “Mình muốn thể hiện điều gì trong bức ảnh của mình?”

-          Bố cục không học được như có thể luyện tập

-          Cố gắng tìm ra nhiều bố cục hơn.

-          Chú ý tới qui tắc “tỷ lệ vàng”.

-          Tạo vẻ đẹp cho ảnh phong cảnh bằng sự hiện diện của một con người

-          Chú ý tới các đường cong chữ S và các đường viền.

-          Luôn phải chú ý đến hậu cảnh

-          Thông thạo các quy luật trước khi phá vỡ nó một cách thông minh

-          Phá những nguyên tắc nhiếp ảnh một cách hiểu biết, đừng phá máy ảnh.

-          Chú ý tới hiệu ứng ánh sáng khác nhau ở các chỗ khác nhau trong quang cảnh muốn chụp.

-          Ánh mắt luôn tìm tới nhưng điểm tương phản.

-          Góc chụp là một sát thủ thực sự.



-          Không thể chụp được tất cả mọi thứ.

-          Thử nghiệm các mức độ phơi sáng càng nhiều càng tốt

-          Bấm máy càng nhiều càng tốt.

-          Đừng sợ bẩn chân tay hay quần áo.

-          Chụp những thứ mình chưa chụp bao giờ

-          Đôi mắt là cửa sổ của một bức ảnh chân dung



-          Đừng bao giờ tin vào màn LCD. Thường hình ảnh bao giờ cũng sáng và căng nét trên màn LCD.

-          Luôn nỗ lực hơn khả năng sức khỏe và trí lực cho phép. Chụp thêm vài kiểu nữa ngay cả khi bạn nghĩ “thế là đủ.”

-          Chú ý tới quang cảnh bầu trời và chờ đợi lúc quang cảnh bầu trời phù hợp với cảnh bạn định chụp

-          Năng tới chụp ở cùng một địa điểm càng nhiều càng tốt. Ánh sáng ở những thời điểm khác nhau sẽ cho quang cảnh khác nhau

-          Một trong thói quen đáng kể nhất trong giới nhiếp ảnh không chuyên là sự do dự của người cầm máy. Sự lưỡng lự trong một số hoàn cảnh là cản trở lớn cho việc ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời thoáng qua.

(còn tiếp)

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

Bài học trên hành trình nhiếp ảnh (1)


Kể từ khi tôi nghiên cứu về nhiếp ảnh, tôi đã học được những điều khác nhau mà tôi muốn chia sẻ với các bạn ngày hôm nay. Những bài học này đã làm cho cuộc sống tôi phong phú hơn và tôi hy vọng rằng các bạn sẽ tìm thấy những điều mới mẻ ở nhiếp ảnh, lấy cảm hứng từ cuộc hành trình của bạn với chiếc máy ảnh”  -   Martin Gommel, nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Đức

Sau đây là các bài học mà Martin Gommel đã đưa cho người chơi ảnh

Chuẩn bị:

-          Chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi chụp. Để đến khi đang loay hoay chỉnh máy chụp cảnh bình minh mới nhận ra sắp hết pin thì đã quá muộn.

-          Luôn mang theo quần áo ấm khi đi chụp.

-          Chú ý tới những cảm nhận và suy nghĩ của mình trong khi chụp.

-          Đề ra các mục tiêu có thể đạt được.

-          Tìm hiểu kỹ lưỡng chiếc máy ảnh của bạn. Tìm kiếm các chức năng trên menu trong đêm là thời gian bạn không bao giờ muốn phí phạm.

-          Luôn kiểm tra lại chế độ ISO, mode. Thật khủng khiếp nếu phát hiện máy bị đặt sai chế độ.

-          Luôn có mặt tại địa điểm chụp ảnh nửa tiếng trước khi mặt trời mọc hay mặt trời lặn vì bạn không nên chụp vội vã

-          Luôn mang máy theo khi có thể để không bao giờ làm lỡ mất một khoảng khắc đẹp



(còn tiếp)

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Nhìn lại và định hướng

Đã hơn 3 năm cầm máy chiếc máy DSRL, vẫn biết với số ảnh chụp chưa đến 10.000 thì đừng hy vọng có tấm ảnh đẹp, như lời các vị tiền bối, nhưng vẫn vui vì thời gian qua đã có được những trải nghiệm cùng với chiếc máy tuy tầm thường nhưng rất yêu quý, có được những kiến thức bổ ích cả về cuộc sống, có được thêm những người bạn, những vị sư huynh, sư đệ tốt. Nhìn chung thì “cái chính” là chụp tốt hơn thì chưa được nhiều, nhưng “cái phụ” thì được khá nhiều ! Hi... Thôi có bonus là tốt rồi, không gì phải vội.
Mình đang đứng ở đâu trên con đường dài nhiếp ảnh thì mình thừa biết.


Một “entry level” chưa bao giờ nuôi mộng trở thành “professional” (mà thành professional để làm chi?), xác định rõ vào con đường này chỉ để relax, để có kiến thức, chứ không để kiếm tiền. Có một vị sư huynh nói rằng phải hướng đến kiếm được tiền từ bức ảnh chứ không chụp chỉ để cho vui, chỉ để up FB chia xẻ mọi người. OK, không có gì sai vì quan niệm sống, hoàn cảnh sống của mỗi người mỗi khác, nhưng mình thì không như vậy mà thôi. Có được thời gian rảnh, xách máy đi lang thang chụp với cái đầu nhẹ nhàng đã là một niềm vui, một hạnh phúc, chứ không nhất thiết phải có một ảnh đẹp, không phải không có tấm hình đẹp là thất bại.
Được đi cầm máy đi đã là vui, đã là được thêm trải nghiệm, có được một tấm hình đẹp thì tốt, xem như bonus, không có không sao, học được thêm kinh nghiệm để lần sau chụp đẹp hơn.
Một người bước vào con đường nhiếp ảnh đầy hoa hồng cùng chông gai thử thách, mà không qua trường lớp nào (vì không có thời gian để đi học, để đi thực hành cùng thầy bạn như những người may mắn khác), chỉ tự tìm tài liệu đọc trên mạng rồi mày mò tập, được may mắn có vài vị sư huynh vui vẻ chỉ dẫn, cùng 2-3 buổi học miễn phí của các công ty bán máy,… Thế nên sự chậm tiến cũng không gì khó hiểu và vui vẻ chấp nhận. Nhất là khi bản thân mình là đứa học chậm, luôn phải mất thời gian gấp đôi để thuộc được một bài so với các bạn cùng lớp.
Cần cù bù thông minh vậy.
Và có muốn ganh đua với ai đâu. Có gì đâu mà phải vội vàng? Tiếp tục “đi dạo” và tận hưởng những niềm vui mà nhiếp ảnh mang lại đã.