Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

"Ảnh đẹp quá, máy ảnh xịn có khác!"

Có lẽ ai cũng thấy , nhiều người chụp ảnh rất quan tâm đến thiết bị . Họ thường có suy nghĩ là cứ mua máy xịn , ống kính xịn thì sẽ chụp được ảnh đẹp.
Việc này xảy ra cũng không có gì lạ hết. Phần lớn người bình thường, không tham gia giới nhiếp ảnh, khi thấy ai đó chụp cho họ những bức ảnh khiến họ hài lòng, một trong những câu đầu tiên họ thường nói là : "Ảnh đẹp quá, máy ảnh xịn có khác".


Điều này cho thấy một thực tế đáng buồn: trong suy nghĩ của những người bình thường, chụp ảnh là một kỹ năng gì đó rất đơn giản, ai cũng có thể chụp ảnh tốt được hết, bản thân họ cũng vậy, chẳng qua là không có máy ảnh xịn thôi !
Vì vậy, nhìn máy FF thích lắm, nhưng mình nhất quyết phải cầm máy "cùi bắp" một thời gian dài nữa, để không ai khen mình "máy ảnh xịn có khác" nữa!

Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Mục đích của bạn đến với nhiếp ảnh là gì?

Trong thi đấu thể thao, nhanh hơn 0,001s hay cao hơn 1cm là đủ xác định vinh quang hay bại trận. Những sự chênh lệch quá nhỏ giữa các model máy ảnh của các hãng cạnh tranh cũng vậy, đủ để xác định hơn thua nhưng hầu như không có ý nghĩa thực tế. Trừ phi bạn đặt mình vào cuộc đua tranh. Mà đua tranh trong lãnh vực này để làm gì? Mục đích của bạn đến với nhiếp ảnh, khi cầm máy là gì?

Giống như chạy 1 mình thì cứ tà tà mà chạy , từ từ cũng tới.


Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Gởi người bạn đã đi xa

Mày có còn nhớ, chính nhờ lần gặp lại mày ở resort Intourco ở Vũng Tàu cách đây 2 năm, mà sau đó tao liên lạc lại được với Quang, rồi Nguyên, rồi Thuần, Hòa, từ đó lớp mình đã họp lại được. Tất cả nhờ lần gặp gỡ đó. Và tao vẫn nhớ lúc đó, tao thấy mày như một doanh nhân thành đạt, bận rộn với chức danh Phó GĐ, tao mừng cho mày lắm. Tao còn nói nếu mày học Y khoa thì đâu được địa vị như vậy.

Tụi tao nhớ mày lắm, và hụt hẫng nữa. Cả lớp cũng buồn, nhưng vì tháng này là sinh nhật của Thúy Vân và Văn Hòa, không lẽ không tổ chức? Hòa thì không sao, nhưng Thúy Vân là con gái, nó sẽ buồn hơn. Vì vậy, mọi người trong lớp bàn phải tìm cách vượt qua nỗi buồn này, cố gắng vui lại và thế là đã tổ chức sinh nhật cho Vân & Hòa. Lớp mình giờ gom lại đông nhất cũng chỉ còn có khoảng 15 bạn, nhưng hiếm khi được con số này lắm, 10 người đã là may. Anh Thy nói nửa đùa nửa thật: "Mỗi lần gặp nhau phải đủ như thế này, đừng thiếu ai nữa nha".

Trong buổi hôm đó, có vài bạn trách mày, tiếc là không được biết tường tận sớm hơn để có thể giúp mày… Tao thì chỉ tiếc, nhưng chỉ nghe, không nói gì cả, vì thật sự tao cũng chưa biết chắc là hiểu hết, biết đúng hết, và liệu chỉ giúp một việc nào đó mà giải quyết được vấn đề hay không... Dù gì thì mọi việc cũng đã rồi... Như một người bạn của tao đã nói: người ra đi không muốn người ở lại đau buồn, và đừng nhắc lại nữa để người ra đi được thanh thản. Có lẽ nên như vậy.

Một quyết định chỉ có người trong cuộc mới có thể biết đúng sai, người ngoài khó có thể phán xét khi chưa rõ mọi mặt.

“Nếu”, “Phải chi”,… Ai cũng nói vậy khi sự việc đã rồi. Nếu chữ “nếu” đó thành sự thật được, chắc rằng mình sẽ muốn điều khác, tốt đẹp hơn nhiều ngay từ đầu, phải không Cường?

Viết vài dòng ở đây, vì thực ra tao cũng muốn nói với mày nhiều điều lắm, và vì tao cũng buồn vì mày ra đi lắm, sau những bất ngờ & ngẩn ngơ kéo dài cả tuần! Viết ra cho dù không cho ai đọc, nhưng tao tin là mày sẽ đọc được, sẽ xem được.

Có thể mày không xem tao là thằng bạn thân đâu, và vì hồi xưa tao cũng không đi chơi nhiều với nhóm của mày lắm, tao chỉ biết cắm đầu học… Nhưng đối với tao, tao vẫn luôn xem mày là thằng bạn thân, vẫn luôn tôn trọng mày, dù sự việc nào đã xảy ra vẫn vậy.

Có điều, xem mày là thằng bạn thân, mà tao lại chẳng giúp gì được cho mày cả, nghe nghịch lý quá phải không. Tao cũng thất vọng với bản thân nhiều lắm.

Tha lỗi cho tao, vì tao đã chẳng giúp gì được cho mày
Tha lỗi cho tao vì đã không ở lại suốt đêm bên mày những ngày cuối
Và tha lỗi cho tao vì đã đến trễ vào sáng ngày thứ tư hôm đó, khiến tao mất cơ hội tiễn mày lần cuối.

Cầu mong và cầu nguyện cho mày được yên nghỉ thanh thản, không có lo lắng việc gì nữa nha Cường.

Tháng 10/2014

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Nhiếp ảnh mang đến cho ta điều gì?

Đến với nhiếp ảnh, được những gì?
  1. Có thêm hình thức để relax, giải trí, giải tỏa căng thẳng đầu óc
  2. Có thêm nhiều kiến thức khi tìm hiểu nhiếp ảnh
  3. Có thêm nhiều bạn bè, đủ mọi lứa tuổi ngành nghề
  4. Có thêm nhiều hiểu biết về cuộc sống
  5. Tâm hồn “giàu có” hơn
  6. Nhìn cảnh vật thiên nhiên, hoa lá, cảnh vật, cuộc sống sống chung quanh với cái nhìn khác hơn, tích cực hơn
  7. Có thêm những niềm vui, giúp kéo ta ra khỏi buồn phiền
  8. Chụp ảnh cho gia đình, bạn bè được đẹp hơn

Có thể còn nhiều điều này, nhưng như vậy đã là quá “lời” cho một hình thức giải trí lành mạnh. Vậy đó là lựa chọn đúng hay không đúng?


Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

10 điều cơ bản cần biết về nhiếp ảnh dành cho người mới

1 - Một chiếc máy ảnh "xịn" không thể làm nên một kiệt tác trừ khi nó được sử dụng bởi một nhiếp ảnh gia thực thụ.

2 - Những người mới bắt đầu chụp ảnh vẫn có thể tạo ra những bức ảnh đẹp nếu họ có cố gắng học hỏi, trao dồi kỹ thuật.

3 - Hãy đọc đi đọc lại hướng dẫn sử dụng máy ảnh. Hầu hết các câu trả lời cho những thắc mắc của bạn khi mới sử dụng máy đều nằm trong đó.

4 - Hãy chụp những gì bạn biết hoặc quan tâm.

5 - Đừng cố gắng học mọi thứ cùng lúc. Bạn không cần thiết phải trở thành một chuyên gia ở tất cả các lĩnh vực chụp hình, hậu kỳ và in ấn chỉ trong một thời gian ngắn.



6 - Nếu bạn mới sử dụng máy ảnh chưa đầy 1 năm, đừng quá bận tâm vào việc tạo dựng bộ sưu tập ảnh cả nhân thật ấn tượng cho riêng mình. Khi có nhiều kinh nghiệm hơn, bạn sẽ có thêm những bức ảnh đẹp.

7 - Đừng bó buộc mình vào những khuôn khổ cứng nhắc của cái gọi là "quy trình" chụp ảnh. Hãy dành phần lớn thời gian để quan sát, tìm hiểu ánh sáng và tìm cách cải thiện chất lượng tấm hình của mình.

8 - Hãy học hỏi từ những tác phẩm nghệ thuật, các nhiếp ảnh gia nổi tiếng thay vì chạy theo trào lưu của những bức hình được nhiều "Like" trên Facebook.

9 - Việc định nghĩa thế nào là một bức ảnh đẹp phần lớn phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Do đó, sẽ có những người thích và cả những người không thích ảnh của bạn.

10 - 10 ngàn tấm hình đầu tiên bạn chụp sẽ là những tấm hình tệ nhất; vì vậy, đừng nản chí nếu như thời gian này bạn cảm thấy ảnh của mình chưa được như ý.


(sưu tầm)

Ghi lại để lưu giữ và cũng để tự răn mình.

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Phải biết nhẫn nhịn?

 Trong hành trình nhiếp ảnh của mình , bạn - dù là người chụp ảnh chơi hay kiếm tiền bằng nghề chụp ảnh - chắc hẳn cũng đã được nghe những lời nhận xét tương tự thế này:
- Ảnh đẹp quá, máy ảnh của anh chắc là xịn lắm!
- Máy ảnh của anh xịn quá, chả trách gì anh chụp ảnh đẹp thế.
- Ảnh đẹp đấy, nhưng cũng thường thôi, tôi có ở đấy tôi cũng chụp được .
- Ảnh trông cũng được, nhưng sao không chụp theo kiểu abc, dùng thiết bị xyz ... cho ảnh đẹp hơn.
- Ảnh này Photoshop !
- Ảnh của anh tôi thấy người ta chụp đầy rồi.
- Anh chụp ảnh mà không biết ông X (tên một nhiếp ảnh gia nổi tiếng ) à?
- Sao anh không có ống kính gì dài dài, trắng trắng như người ta ?
- Sao ảnh của anh phía sau không lung linh, mờ mịt như ảnh của người ta?
- Anh biết làm màu theo kiểu này không? (minh họa bằng một loạt ảnh màu mè hoa lá cành mà bạn không thích ).
- Sao anh không chỉnh Photoshop chỗ này chỗ kia cho ảnh đẹp hơn?
- Sao anh ko xài Canon / Nikon chụp cho đẹp !
- Máy Canon chỉ dành cho phụ nữ ! (???)
- Máy ảnh anh chụp đẹp quá, cho anh/em mượn máy ảnh đi chơi mấy ngày nhe? 
- ... ... ...

(7bua.net)

Không buông tiếng chửi thề thì quả là người biết nhẫn nhịn. Nhưng người cầm máy đâu phải là thánh !


Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Một tấm hình có thể kể cả một câu chuyện


Nhiếp ảnh không chỉ nói về cái cách ta nhìn khung cảnh trước mắt, mà còn là sự cảm nhận cuộc sống, sự kiện, thế giới quan.. Nếu người cầm máy có lòng, bức ảnh có thể sẽ kể cả một câu chuyện.



Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Có nên nâng cấp lên Fullframe?

Chơi chụp hình có nên lên fullframe không?

Không, nếu:
- Bạn không chơi ảnh chuyên nghiệp
- Không cần chứng tỏ hay khoe khoang điều gì đấy
- Chỉ để realx, giải trí, không nhằm mục đích kinh doanh, kiếm tiền
- Hình ảnh chỉ dùng post FB
- Tiền không quá dư dả, còn phải lo con ăn học
- Vẫn chưa nắm rõ hết tính năng của cái body trong tay mình
- Dàn lens trong tay là loại rẻ mà ngon

Về mặt kỹ thuật:
- Những đời máy cảm biến APS-C cũng mang lại cho người dùng những tấm ảnh chất lượng cao và noise thấp khi chụp ở ISO cao 1600. Đừng lóa mắt vì những máy có ISO cao vút vì thực tế bạn cò dùng tới không?

- Một tấm ảnh chụp ở ISO 1600 có thể trở nên mịn màng tương đương với ảnh được chụp tại ISO 400 nhờ các phần mềm chuyên chỉnh sửa ảnh. 

- Độ phân giải không quyết định chất lượng bức ảnh

Về mặt kỹ thuật, hầu hết máy ảnh Full-frame hiện nay đã bị các máy ảnh sử dụng cảm biến APS-C đời mới đuổi kịp. Máy APS-C sau này có thể có có hệ thống lấy nét tự động AF tốt hơn, có bộ vi xử lí tốt hơn, nhanh hơn...

Về trọng lượng và kích thước, thân máy FF nặng hơn 40-60% thân máy APS-C và to hơn vì có kính ngắm quang học lớn hơn. Do đó, việc mang vác thân máy và ống kính full-frame trong khoảng thời gian dài sẽ vô cùng vất vả.

- Ống kính cho máy ảnh cảm biến Full-frame thường lớn hơn và nặng hơn ống kính APS-C. Giá của chúng tất nhiên cũng cao hơn do chi phí sản xuất bởi ống FF cần loại thấu kính chất lượng cao và lớn hơn. Không lẽ mua máy quá xịn mà xài lens không tương xứng? FF gắn lens cùi chụp cũng chán như thường.


Nói chung lý do thì nhiều, nhưng tựu chung lại có hai điều: 

* Trình độ bèo thì FF hay CF trong tay không có gì khác biệt. Khi còn chưa rành hết những mode Picture Style, White Balance trong máy, chưa biết phối hợp tốt tốc độ - khẩu độ - ISO, xử lý ánh sáng... thì cũng đừng hy vọng kiểu chắc nâng cấp body lên một bước, ảnh mình cũng sẽ ngon hơn một bước.

* Cần tâm niệm: cuộc chơi thiết bị vốn là một cuộc chơi không có điểm dừng và bạn đã là đại gia chưa?

Tất nhiên nếu có ai cho mình máy FF thì đừng từ chối. Nhưng người tốt vậy chắc không có đâu !

- Góp nhặt cát đá -

Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

Ống kính "for"

LỢI ÍCH CỦA ỐNG "FOR"


“Sử dụng ống “for” đôi khi làm cho bạn trở nên tự tin hơn, nhất là mới cầm máy bởi lẽ nếu ảnh chưa đẹp thì còn có cái ống kính mà đổ hết tội lỗi. Cầm mấy cái ống chính hãng hàng khủng, giá khủng mà ảnh chụp không ra gì, nhiều khi chụp xong không dám cho ai xem, mất hết cơ hội nhận được những lời bình luận góp ý hữu ích của bạn bè. Mà lỡ có để người khác ngó vào màn LCD thấy được thì cũng chỉ còn nước chui xuống đất cho khỏi… xấu hổ cái ống kính!” 

Lời khuyên hay, từ nay phải kiếm ống “for” xài mới được, hàng 2nd luôn cho đỡ tốn kém !


Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

10 điều tâm niệm


14 ĐIỀU TÂM NIỆM !

1. Kẻ thù lớn nhất của NHÁY là THỜI TIẾT
2. Ngu dốt lớn nhất của NHÁY là CHÊ MẪU XẤU
3. Thất bại lớn nhất của NHÁY là MÁY HẾT PIN
4. Bi ai lớn nhất của NHÁY là GATO VỚI THẰNG NHÁY KHÁC
5. Sai lầm lớn nhất của NHÁY là TỰ KIÊU
6. Tội lỗi lớn nhất của NHÁY là QUÊN THẺ NHỚ
7. Đáng thương lớn nhất của NHÁY là ĐANG CHỤP THÌ MƯA
8. Đáng khâm phục lớn nhất của NHÁY là BIẾN CÁI KHÔNG THỂ THÀNH CÓ THỂ
9. Phá sản lớn nhất của NHÁY là MẤT MÁY
10. Tài sản lớn nhất của NHÁY là MÁY ẢNH
11. Món nợ lớn nhất của NHÁY là NỢ ẢNH
12. Lễ vật lớn nhất của NHÁY là ỐNG KÍNH
13. Khiếm khuyết lớn nhất của NHÁY là KÉM HIỂU BIẾT
14. An ủi lớn nhất của NHÁY là TÁN ĐƯỢC MẪU

(sưu tầm)

 

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Cảm nhận 1


"Có những lúc một tấm ảnh nhỏ bé lại mang trên mình sức mạnh và tầm vóc lớn lao. Nó có thể nặng ý nghĩa cá nhân mà cũng có khi mang tính cộng đồng. Ta bấm nút chụp, màn trập mở rồi đóng, bức ảnh được hình thành trong khoảng thời gian ngắn ngủi của một cái chớp mắt. Trong cái tích tắc quyết định ấy, một khoảng khắc thực của đời thường biến thành một thứ gì đó đặc biệt, tuyệt vời và gần như là ma thuật

Với sức mạnh màu nhiệm đến thế, ngay từ khi mới ra đời nhiếp ảnh đã có tác động to lớn đến thế giới. Không chỉ là một cách giúp con người lưu trữ lại hình ảnh mãi mãi, nhiếp ảnh thay đổi thế giới quan của cá nhân và xã hội, làm con người nhìn nhận mọi thực thể và biến động trong đời một cách khác biệt.
Nhiếp ảnh đã làm nên lịch sử. Nhiếp ảnh kiến tạo lịch sử. Và để trả ơn, lịch sử đã biến nhiếp ảnh thành một môn nghệ thuật, một sở thích phổ biến được yêu thích nhất của xã hội hiện đại.
Nhiếp ảnh thay đổi xã hội và xã hội thay đổi nhiếp ảnh, cái mối quan hệ tương hỗ ấy có thể ầm ĩ và lặng lẽ cùng một lúc theo cách khiến những con người hoài cổ cảm thấy ngẩn ngơ…”
(manup.vn)